9/2/11

Bình luận về thị trường trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam

THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ

Trên thực tế thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) đã hình thành và phát triển trong suốt 10 năm qua song song với sự phát triển của thị trường cổ phiếu niêm yết, với các mốc lịch sử sau:

Tháng 8/2000: TPCP lần đầu tiên được đưa vào giao dịch trên Trung tâm giao dịch CK Tp. HCM (HOSE)

Tháng 11/2003: Chính phủ ban hành Nghị định 141/2003/NĐ-CP về việc phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ trong phạm vi cả nước.

TPCP do Chính phủ phát hành bao gồm: Tín phiếu kho bạc, trái phiếu kho bạc, trái phiếu công trình Trung ương, trái phiếu đầu tư, trái phiếu ngoại tệ và công trái xây dựng Tổ quốc.

Tháng 8/2005: TPCP được đưa vào giao dịch trên Trung tâm GDCK Hà Nội.

Tuy nhiên đến thời điểm này rất nhiều phiên đấu thầu thất bại do nhiều nguyên nhân khác nhau mà lãi suất là một trong những nguyên nhân lớn.

Tháng 6/2006: Quyết định số 2276/QĐ-BTC về tập trung đấu thầu TPCP tại Trung tâm GDCK Hà Nội. và Quyết định 46/2006/QĐ-BTC ban hành Quy chế về việc phát hành trái phiếu Chính phủ theo lô lớn.

Quyết định này quy định sẽ chỉ tập trung hoạt động đấu thầu trái phiếu Chính phủ, bao gồm trái phiếu kho bạc và trái phiếu đầu tư tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội kể từ ngày 01/07/2006.

Chỉ sau 3 tháng kể từ ngày Quyết định này ra đời, Trung tâm GDCK Hà Nội đạt được những thành công bước đầu khi tổ chức thành công 4 phiên đấu thầu Trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch huy động vốn của Kho bạc Nhà nước, huy động được 1.200 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm, đạt 80% khối lượng gọi thầu; đã có 38 loại trái phiếu đăng ký giao dịch với tổng giá trị đạt 7.027 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2007 thông qua gần 30 phiên đấu thầu TPCP tại HASTC, đã huy động được 12.695 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Hơn nữa, lãi suất đấu thầu trái phiếu giảm dần (lần đầu tiên lãi suất TPCP đã giảm xuống mức thấp hơn lãi suất ngân hàng, cụ thể lãi suất cơ bản vào ngày 1/6/2007 là 8,25% theo Quyết định 1143/QĐ-NHNN ngày 29/5/2007, trong khi đó lãi suất trúng thầu TPCP kỳ hạn 5 năm vào ngày 11/6/2007 là 7,15%), dẫn đến lãi suất bảo lãnh phát hành cũng giảm. Tuy nhiên sự thành công đó cũng bắt đầu giảm dần khi tỷ lệ thành công các đợt đấu thầu giảm mạnh từ 99% quý 1 xuống còn 58,39% của quý III năm 2007 và tiếp sau đó là sự thất bại của hàng loạt các đợt đấu thầu như lô 200 tỷ đồng kỳ hạn 15 năm phát hành ngày 27/9/2007 của Ngân hàng Phát triển Việt Nam … nguyên nhân chính là do yếu tố lãi suất thấp, mặc dù độ rủi ro là thấp. Nhiều người đã lạc quan cho rằng “hoạt động đấu thầu loại chứng khoán này đang thực sự chuyển biến tích cực và ngày càng hiệu quả hơn”.

Khối lượng phát hành của một lô lớn trái phiếu tối thiểu là 1.000 tỷ đồng. Kỳ hạn của trái phiếu lô lớn từ 5 năm trở lên. Trái phiếu lô lớn được phát hành theo phương thức sau: đấu thầu trái phiếu hoặc bảo lãnh phát hành trái phiếu. Thời hạn phát hành của một lô lớn trái phiếu tối đa không quá 365 ngày..

Tháng 1/2008: Quyết định 86/2008/QĐ-BTC phê duyệt đề án xây dựng thị trường TPCP chuyên biệt.

Đây được xem là mốc sự kiện quan trọng nhất vì đã đặt ra mục tiêu, lộ trình và xác định mô hình phát triển của Thị trường TPCP. Đề án được xây dựng nhằm tạo ra một thị trường giao dịch trái phiếu chuyên biệt, tách hẳn khỏi thị trường giao dịch cổ phiếu.

Hàng hóa giao dịch bao gồm các loại trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh. Tất cả các loại trái phiếu giao dịch trong hệ thống đều được lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán.


Trái phiếu Chính phủ giao dịch sẽ được gán mã giao dịch và mã định danh riêng biệt để tạo thuận lợi cho hoạt động giao dịch và quản lý. Phương thức giao dịch được áp dụng là thỏa thuận. Thành viên có thể thực hiện giao dịch thỏa thuận từ xa thông qua hệ thống mạng máy tính nội bộ mở rộng.


Tháng 5/2008: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định chuyển trái phiếu chính phủ từ sàn Tp.HCM sang niêm yết tại sàn Hà Nội.


Tháng 7/2008: Quyết định Số 46/2008/QĐ-BTC ban hành Quy chế quản lý giao dịch TPCP tại Trung tâm GDCK Hà Nội.


Quy chế này quy định về hoạt động đăng ký niêm yết, công bố thông tin, thành viên giao dịch trái phiếu Chính phủ (TPCP), giao dịch và quản lý giao dịch TPCP niêm yết tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (TTGDCKHN).

Tính đến cuối năm 2008 thị trường TPCP đã huy động trên 300.000 tỷ đồng và hàng trăm triệu USD. Thị trường này chiếm 70% giá trị giao dịch của thị trường trái phiếu và trở thành một công cụ quan trọng trong việc điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.


Từ khoảng đầu năm 2008, liên tục diễn ra các cuộc đấu giá TPCP không thành công, số lượng tham gia rất èo uột, thậm chí không có ai tham dự. Một thống kê cho thấy: trong 10 cuộc đấu giá từ tháng 3/2008 đến 11/7/2008 thì chỉ có 11 đơn vị tham gia với tổng cộng 875 tỷ đồng được đăng ký đấu so với trên 8.000 tỷ đồng gọi thầu. 6 cuộc đấu giá chỉ có một đơn vị tham gia đấu giá và 9 cuộc đấu giá không có một trái phiếu nào được đấu thành công. Từ đầu năm 2009 đến tháng 7/2009, các cuộc đấu thầu TPCP cũng chịu chung số phận. Thậm chí, từ đầu tháng 4 đến tháng 7, lãi suất trần huy động TPCP tăng thêm đến 1,2 điểm phần trăm (từ 7,6% đến 8,8%), nhưng các cuộc đấu giá TPCP vẫn chưa thể tạo được sức hút đối với các NĐT trong và ngoài nước, như sự thất bại của phiến đấu thầu lô 500 tỷ đồng ngày 29/5/2009 của Công ty CP Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) …


Tháng 9/2009: Hệ thống giao dịch Trái phiếu Chính phủ chuyên biệt chính thức được Sở GDCK Hà Nội (HNX) đưa vào vận hành và ra mắt vào ngày 24/09/2009 tới với mục tiêu phát huy tối đa tầm quan trọng của kênh huy động vốn này đối với nền kinh tế.


Mục tiêu xây dựng và phát triển Thị trường TPCP là mở rộng thị trường, tăng cường tính thanh khoản trên thị trường TPCP, liên kết thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp, và tăng cường công tác giám sát thị trường.

Sự ra đời của thị trường này được kỳ vọng không chỉ là một kênh dẫn vốn hữu hiệu của nền kinh tế mà còn làm đa dạng hóa các công cụ đầu tư trên thị trường vốn. Đồng thời, thị trường TPCP còn giúp tăng cường sự độc lập trong điều hành chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương thông qua mua bán TPCP, tác động trực tiếp đến lượng cung tiền và các biến số kinh tế vĩ mô.


Sau một năm chính thức đi vào hoạt động, thị trường trái phiếu chuyên biệt đã có những bước tiến mới, đó là thực hiện lưu ký tập trung tại HNX chứ không thực hiện một cách rải rác trên nhiều thị trường. Hơn nữa, nhờ yêu cầu khắt khe đối với các thành viên tham gia thị trường về các yếu tố trang thiết bị, chất lượng nhân sự, các bên tham gia thị trường có thể yên tâm về tính an toàn khi giao dịch. Các cơ chế dành cho giao dịch REPO rất hạn chế. Trong giai đoạn 2010 – 2015 thị trường sẽ có thêm giao dịch option, future và giao dịch corporation để đưa các trái phiếu doanh nghiệp vào giao dịch.


Năm 2010 thị trường TPCP tiếp tục ảm đạm, như đợt đấu thầu cho lô 3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm tổ chức lần 1 vào ngày 25/1/2010 đã thất bại và phiên đấu thầu thứ 2 vào ngày 24/3/2010 cũng chỉ bán được 3,33% tổng khối lượng chào bán. Sau phiên thành công ngày 28/10/2010, đến nay tất cả 15 phiên đấu thầu TPCP liên tiếp ở tất cả các kỳ hạn 3, 5 và 10 năm đều trắng bảng dự thầu (tính đến phiên gần nhất ngày 30/11). Nhiều phiên không có thành viên nào đăng ký tham gia, hoặc có tham gia nhưng không thể huy động được vốn.


Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các thất bại trên đó chính là lãi suất TPCP không bù đắp được ảnh hưởng của lạm phát, cũng như quá thấp so với mặt bằng lãi suất chung, hay sự căng thẳng trên thị trường tiền tệ khiến các ngân hàng (lực lượng tham gia đấu thầu chính) khó huy động được vốn.


TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP


Trong thời gian qua VN chỉ tập trung phát triển thị trường cổ phiếu mà chưa đặc biệt quan tâm tới phát triển thị trường trái phiếu (TTTP). Do vậy TTTP là một thị trường hết sức tiềm năng, và cũng là một kênh huy động vốn vay quan trọng đối với các tổ chức như doanh nghiệp và chính phủ.


Hiện nay Nhà nước rất ưu ái trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp nên chỉ mất khoảng 6 đến 8 tuần doanh nghiệp có thể hoàn tất hồ sơ phát hành. Đây cũng là một lợi thế rất lớn so với việc huy động vốn trên thị trường cổ phiếu hay vay vốn ngân hàng, đặc biệt là cac khoản vay lớn trên 1.000 tỷ đồng.


Nghị định số 120/CP ngày 17/9/1994 của Chính phủ được ban hành kèm theo quy chế tạm thời về phát hành trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp nhà nước thì thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới bắt đầu được hình thành. Nhiều doanh nghiệp nhà nước có nhu cầu đầu tư vốn vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành điện và xi măng, đã trình Bộ Tài chính phương án phát hành và đã được chấp nhận triển khai thực hiện.


Từ tháng 9/1994 đến tháng 6/1995, nhà máy xi măng Anh Sơn đã phát hành trái phiếu thông qua hệ thống kho bạc trên địa bàn tỉnh Nghệ. Đợt phát hành này dự kiến huy động 52 tỷ đồng trái phiếu có thời hạn 3-5 năm với lãi suất 15%. Tuy nhiên, sau gần 10 tháng phát hành, nhà máy chỉ huy động được 7,7 tỷ đồng, trong đó trái phiếu thời hạn 3 năm chiếm đến 79%.


Đến thời điểm năm 2006 với những cuộc đấu thầu thất bại mà nguyên nhân chủ yếu do lãi suất, tính rủi ro do hoạt động của doanh nghiệp và ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác, như thông tin doanh nghiệp không minh bạch … Năm 2006 Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Thay thế cho Nghị định 120-CP của Chính phủ ban hành ngày 01/10/1994. Quy định chặt chẽ các điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Và theo đó điều kiện phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp phải hội tụ đủ các điều kiện sau:

+ Là công ty cổ phần, công ty TNHH, DNNN có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký phát hành là 10 tỷ đồng VN.

+ Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký phát hành phải có lãi, đồng thơ không có lỗ luỹ kết đến năm đăng ký chào bán, không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm.

+ Có phương án phát hành, phương án sử dụng và trả vốn thu được từ đợt phát hành trái phiếu.

+ Có cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác.


Ngày 29/11/2008, tại Hà Nội, công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) công bố phát hành thành công 400 tỷ đồng trái phiếu VEC thông qua công ty Chứng khoán Habubank và được Chính phủ bảo lãnh. Tuy nhiên cũng có không ít các doanh nghiệp đã thất bại trong các phiên đấu thầu.


Giữa năm 2008 hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp hầu như khựng lại trước ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới. Nội tại, sự leo thang của lãi suất sau lạm phát cũng là một trở ngại khi tính toán chi phí nếu gọi vốn qua kênh này, Năm 2009 với sự thành công của một loạt các đợt phát hành TPDN một phần cũng nhờ lãi suất được nâng lên, vốn luân chuyển từ các thị trường khác đến, mức độ tín nhiệm, không khả thi và mức độ hiệu quả của dự án … hay các điều kiện đã thuận lợi hơn, cụ thể:

Ngày 1/9/2009 Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) thông báo phát hành thành công trái phiếu đợt 3, kỳ hạn 5 năm với tổng giá trị 200 tỷ đồng. Đợt liền trước, doanh nghiệp này cũng gọi thành công 300 tỷ đồng. Tại Đồng Nai, Công ty Tín Nghĩa cũng vừa phát hành thành công trái phiếu với 500 tỷ đồng, tạo đà cho kế hoạch dự kiến gọi thêm 300 tỷ đồng thời gian tới… đây là một tín hiệu rất đáng mừng cho thị trường TPDN trái với sự ảm đạm của thị trường TPCP.

Thực tế cho thấy các đợt phát hành trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu Chính phủ bảo lãnh liên tục thất bại từ đầu năm 2009 là do trần lãi suất bị khống chế quá thấp, không đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp lại phát hành thành công với khối lượng lớn, chủ yếu do vấn đề giá cả được giải quyết một cách thỏa đáng. Tính đến tháng 12/2010 Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong số các thị trường trái phiếu công ty trong quý 3 so với cùng kỳ năm 2009. Các thị trường trái phiếu công ty đã tăng 51,9% so với năm 2009, nhanh hơn tốc độ tăng 25,5% của thị trường trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của cả hai thị trường chủ yếu là do số lượng trái phiếu đáo hạn trong quý 3 thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị phát hành trái phiếu công ty giảm 68% trong khi giá trị phát hành trái phiếu chính phủ giảm 43,6% trong quý 3 năm nay so với cùng kỳ năm 2009.

Việt Nam vẫn là một trong những thị trường trái phiếu nhỏ nhất tại khu vực, với tổng số 15 tỷ USD trái phiếu chưa thanh toán vào cuối tháng 9/2010, trong đó 1 tỷ USD là trái phiếu doanh nghiệp.

by BYDecision
========
Do đây là câu hỏi ôn tập môn thị trường chứng khoán, nguồn tại liệu tôi tham khảo trên mạng đã lâu nên không nhớ rõ lấy từ những nguồn nào. Nên mong các bạn thông cảm vì đã không trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo.

5 nhận xét:

  1. Mong nhận được sự góp ý bổ sung của các bạn

    Trả lờiXóa
  2. Bài trên có tham khảo và trích nguồn từ bài sau: Trái phiếu Chính phủ: Đằng sau thất bại?
    Link nguồn: http://www.tapchitaichinh.vn/Qu%E1%BA%A3ntr%E1%BB%8Bn%E1%BB%99idung/ViewArticleDetail/tabid/56/Key/ViewArticleContent/ArticleId/943/Default.aspx

    Trả lờiXóa
  3. phần Trái phiếu Doanh nghiệp có tham khảo từ nguồn bài sau: THỰC TRẠNG THỊ TRƯỜNG NỢ VIỆT NAM GIẢI PHÁP MỞ RỘNG VÀ PHÁT TRIỂN

    Link: http://vn.360plus.yahoo.com/anhtthstc/article?mid=313&fid=-1

    Trả lờiXóa
  4. Bài trên có tham khảo và trích nguồn từ bài sau: Trái phiếu Chính phủ: Đằng sau thất bại?

    Link nguồn: http://www.tapchitaichinh.vn/Qu%E1%BA%A3ntr%E1%BB%8Bn%E1%BB%99idung/ViewArticleDetail/tabid/56/Key/ViewArticleContent/ArticleId/943/Default.aspx

    Trả lờiXóa